DHCP Server là gì? Tổng hợp về cấu tạo, ưu điểm và cách hoạt động

Trong hầu hết hệ thống mạng hiện nay, dù lớn hay nhỏ, DHCP Server đóng vai trò quan trọng trong việc tự động cấp phát địa chỉ IP và thông số mạng cho các thiết bị. Bài viết này từ ZoneCloud sẽ giúp bạn hiểu rõ cấu tạo, nguyên lý hoạt động và vai trò thiết yếu của DHCP Server trong quản lý mạng máy tính.

DHCP Server là gì?

DHCP Server (Dynamic Host Configuration Protocol Server) là một máy chủ hoặc thiết bị mạng (như router, switch) có nhiệm vụ tự động cấp phát địa chỉ IP và các thông số mạng như subnet mask, default gateway, DNS… cho các thiết bị trong mạng (client).

DHCP Server giúp các thiết bị kết nối ra mạng LAN hoặc Internet nhanh chóng mà không cần cấu hình thủ công, đồng thời tránh xung đột IP, tiết kiệm thời gian và đơn giản hóa quản lý hệ thống mạng.

DHCP Server là gì
Máy chủ Dynamic Host Configuration Protocol

Cách DHCP Server hoạt động

Khi một thiết bị (client) kết nối vào mạng, quá trình cấp phát địa chỉ IP diễn ra qua 4 bước chính:

  • DHCP Discover: Thiết bị gửi một gói tin quảng bá (broadcast) để tìm kiếm DHCP Server trong mạng.
  • DHCP Offer: DHCP Server phản hồi bằng gói tin đề nghị (offer), cung cấp một địa chỉ IP khả dụng cùng các thông số mạng như subnet mask, default gateway, DNS và thời gian thuê (lease time).
  • DHCP Request: Thiết bị gửi lại yêu cầu (request) xác nhận chấp nhận địa chỉ IP được cung cấp.
  • DHCP Acknowledgement (ACK): DHCP Server xác nhận lại (acknowledgement) và hoàn tất việc cấp phát IP cho thiết bị.

Những thông điệp trong giao thức DHCP

Dưới đây là các loại thông điệp chính được sử dụng trong giao thức DHCP, giúp quản lý quá trình cấp phát địa chỉ IP và cấu hình mạng cho các thiết bị:

  • DHCPDISCOVER: Được gửi bởi client để tìm DHCP Server khi chưa có địa chỉ IP. Đây là bước khởi đầu để yêu cầu cấp phát IP.
  • DHCPOFFER: Máy chủ phản hồi lại bằng thông điệp này, đề xuất một địa chỉ IP và các thông số mạng như subnet mask, gateway, DNS…
  • DHCPREQUEST: Client chọn một trong các đề xuất và gửi yêu cầu chấp nhận địa chỉ IP từ DHCP Server mong muốn.
  • DHCPACK: Server xác nhận việc cấp phát IP cho máy khách và hoàn tất quá trình thiết lập cấu hình mạng.
  • DHCPNAK: Gửi bởi DHCP Server nếu yêu cầu của client bị từ chối (do IP không hợp lệ hoặc lease hết hạn), yêu cầu client khởi động lại quá trình.
  • DHCPDECLINE: Gửi bởi máy khách khi phát hiện địa chỉ IP được cấp đã bị sử dụng, từ chối nhận IP đó.
  • DHCPRELEASE: Được gửi khi client không còn dùng IP nữa (như khi tắt máy), giúp server thu hồi và tái sử dụng địa chỉ.
  • DHCPINFORM: Dùng khi client đã có IP tĩnh nhưng muốn nhận thêm các thông số cấu hình từ DHCP Server mà không cần cấp IP mới.

Vì sao cần sử dụng DHCP Server

Việc sử dụng DHCP Server trong hệ thống mạng mang lại nhiều lợi ích vượt trội, đặc biệt là trong môi trường có quy mô vừa và lớn. Thay vì phải cấu hình địa chỉ IP và thông số mạng thủ công cho từng thiết bị, DHCP Server tự động hóa hoàn toàn quy trình này, giúp giảm sai sót, hạn chế xung đột IP và tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức cho quản trị viên.

Ngoài ra, DHCP hỗ trợ quản lý tập trung, cho phép dễ dàng thay đổi các thông số mạng như gateway, DNS, subnet mask mà không cần thao tác trên từng máy.

Lợi ích của DHCP Server
Máy chủ DHCP có nhiều lợi ích

Trong các mạng nhỏ, router hoặc switch có thể đảm nhận vai trò DHCP, nhưng khi số lượng thiết bị tăng lên, chúng thường bị giới hạn về hiệu suất và khả năng tùy chỉnh. Lúc này, một máy chủ DHCP chuyên dụng sẽ là giải pháp tối ưu hơn.

DHCP Server có những thành phần nào?

Máy chủ DHCP có nhưng thành phần sau:

DHCP Server

DHCP Server là một máy chủ hoặc thiết bị mạng như router hay switch, có nhiệm vụ tự động cấp phát địa chỉ IP và các thông số mạng như subnet mask, gateway, DNS cho các thiết bị trong mạng. Trong các mạng nhỏ, router thường kiêm luôn vai trò DHCP Server; còn với hệ thống mạng lớn, doanh nghiệp thường triển khai máy chủ riêng để quản lý DHCP tập trung, linh hoạt và hiệu quả hơn.

DHCP Client

DHCP Client là các thiết bị trong mạng như máy tính, điện thoại, máy in. Khi khởi động hoặc kết nối mạng, các thiết bị này sẽ gửi yêu cầu đến DHCP Server để nhận địa chỉ IP và các thông số mạng cần thiết nhằm kết nối hiệu quả. Hầu hết các thiết bị hiện đại đều hỗ trợ DHCP Client để tự động lấy cấu hình mạng.

DHCP Relay Agent

DHCP Relay Agent là một thiết bị trung gian chuyển tiếp các yêu cầu DHCP giữa các Client và DHCP Server khi chúng không nằm trong cùng một mạng con. Thành phần này thường xuất hiện trong các mạng lớn có nhiều subnet khác nhau, giúp chuyển tiếp thông tin giữa các mạng con để thiết bị vẫn nhận được cấu hình IP dù DHCP Server không nằm trong cùng subnet.

IP Address Pool

IP Address Pool là tập hợp các địa chỉ IP mà DHCP Server quản lý và cấp phát cho các thiết bị trong mạng. Dải địa chỉ này được cấu hình sẵn để đảm bảo các địa chỉ IP cấp phát nằm trong phạm vi hợp lệ của mạng và không bị trùng lặp, giúp quản lý tài nguyên IP hiệu quả.

DHCP Lease

DHCP Lease là khoảng thời gian mà một địa chỉ IP được cấp phát cho thiết bị sử dụng. Sau khi thời gian thuê này hết hạn, địa chỉ IP sẽ được thu hồi và có thể cấp lại cho thiết bị khác nếu Client không gia hạn. Cơ chế này giúp tối ưu sử dụng địa chỉ IP trong mạng.

DHCP Binding

DHCP Binding là bản ghi ánh xạ giữa địa chỉ MAC của thiết bị và địa chỉ IP được cấp phát, giúp quản trị viên theo dõi và quản lý các thiết bị trong mạng một cách chính xác. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ cấp phát IP cố định cho các thiết bị yêu cầu địa chỉ IP không thay đổi dựa trên địa chỉ MAC.

Ưu – nhược điểm của DHCP Server

Ưu điểm của DHCP Server

  • Cấu hình IP tự động, nhanh chóng: Thiết bị nhận địa chỉ IP và thông số mạng ngay khi kết nối, không cần cài đặt thủ công.
  • Hạn chế xung đột IP: Đảm bảo mỗi thiết bị có một địa chỉ IP riêng biệt trong mạng.
  • Dễ quản lý và mở rộng: Quản trị viên có thể thay đổi cấu hình toàn mạng nhanh chóng, thuận tiện với cả mạng lớn và nhỏ.
  • Hiển thị và kiểm soát IP: Quản lý tập trung các địa chỉ IP giúp theo dõi và chẩn đoán mạng dễ dàng hơn.
  • Tăng tính linh hoạt: Người dùng có thể di chuyển sang mạng khác mà vẫn kết nối được mà không cần cấu hình lại.
  • Tiết kiệm thời gian và công sức: Giảm gánh nặng cấu hình thủ công, đặc biệt hiệu quả khi triển khai hàng loạt thiết bị.

Nhược điểm của DHCP Server

  • Phụ thuộc vào DHCP Server: Nếu máy chủ DHCP gặp sự cố, thiết bị mới sẽ không thể truy cập mạng do không được cấp IP.
  • Không phù hợp với thiết bị cần IP tĩnh: Một số thiết bị như máy in, File Server, hệ thống giám sát cần địa chỉ IP cố định để đảm bảo hoạt động ổn định và dễ truy cập.
  • Truy cập từ xa khó khăn nếu IP: Khi dùng IP động, việc truy cập vào thiết bị từ xa như qua Remote Desktop, VPN, hoặc ứng dụng di động sẽ gặp trở ngại nếu IP thay đổi sau mỗi phiên.
  • Rủi ro bảo mật: Bên tấn công có thể thiết lập DHCP giả mạo để cấp IP sai và chặn kết nối mạng (DHCP spoofing).
  • Khó kiểm soát thiết bị: IP thay đổi thường xuyên khiến việc quản lý dựa trên địa chỉ IP không còn chính xác, đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp.

Những hình thức tấn công DHCP Server thường gặp

DHCP Client trái phép

Thiết bị client không được xác thực gửi yêu cầu cấp phát địa chỉ IP liên tục đến DHCP Server. Điều này khiến máy chủ cấp phát hết dải địa chỉ cho các yêu cầu giả mạo, làm cạn kiệt IP dành cho các thiết bị hợp pháp và gây gián đoạn mạng.

Ngoài ra, còn có kiểu tấn công giữ địa chỉ IP (IP Address Holding Attack), khi client cố tình chiếm giữ một địa chỉ IP trong dải DHCP mà không giải phóng, khiến địa chỉ đó không thể cấp cho các thiết bị hợp lệ khác, làm giảm hiệu quả quản lý địa chỉ IP.

DHCP client attack
Client kết nối trái phép

DHCP Server trái phép

Kẻ tấn công chiếm quyền điều khiển hoặc thiết lập máy chủ DHCP giả mạo trong mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống. Một số kiểu tấn công phổ biến gồm:

  • Tấn công từ chối dịch vụ (DoS – Denial of Service Attack): Hacker cấu hình dải IP, subnet mask không hợp lệ khiến các thiết bị client không thể kết nối hoặc đăng nhập vào mạng, gây tê liệt hệ thống.
  • Chuyển hướng DNS (DNS Redirect Attack): Máy chủ DHCP giả mạo cấp phát thông số DNS sai lệch, dẫn các thiết bị truy cập vào trang web giả mạo chứa mã độc hoặc nhằm đánh cắp thông tin người dùng.
  • Tấn công Man-in-the-Middle (MITM Attack): Hacker thay đổi địa chỉ gateway mặc định thành địa chỉ máy của họ, khiến lưu lượng mạng phải đi qua thiết bị của hacker trước khi đến đích. Qua đó, hacker có thể giám sát và thu thập dữ liệu nhạy cảm từ client mà không bị phát hiện.
DHCP server attack
DHCP Server là gì? Tổng hợp về cấu tạo, ưu điểm và cách hoạt động 8

Giải pháp bảo mật cho DHCP Server

Triển khai kết hợp nhiều giải pháp bảo mật sau để bảo vệ hệ thống DHCP khỏi các cuộc tấn công:

Port Security (Bảo mật cổng trên switch)

Giới hạn số lượng thiết bị (địa chỉ MAC) được phép kết nối vào một cổng switch. Nếu một thiết bị lạ (ví dụ DHCP Client giả mạo) cố kết nối, switch có thể tự động chặn, gửi cảnh báo hoặc vô hiệu hóa cổng.

Port security
Bảo mật cho cổng kết nối đến DHCP Server

Firewall (Tường lửa)

Dùng để giới hạn truy cập vào DHCP Server từ các nguồn không đáng tin cậy hoặc ngoài vùng mạng nội bộ. Firewall cũng có thể lọc lưu lượng DHCP để phát hiện và ngăn các hành vi bất thường.

DHCP Snooping

Là cơ chế bảo mật trên switch giúp kiểm soát và giám sát các gói DHCP. Switch sẽ phân biệt cổng nào là “trusted” (nối với DHCP Server thật) và “untrusted” (nối với client). Các gói DHCP chỉ được phép từ cổng tin cậy, giúp ngăn DHCP giả mạo.

DHCP snooping
Sử dụng DHCP Snooping

IDS/IPS (Hệ thống phát hiện/phòng chống xâm nhập)

Phân tích lưu lượng mạng để phát hiện các mẫu tấn công DHCP như DHCP starvation hoặc DHCP spoofing. IPS còn có thể tự động phản hồi và ngăn chặn các mối đe dọa ngay lập tức.

Access Control List (ACL)

Thiết lập danh sách kiểm soát truy cập để chỉ cho phép các gói tin từ những IP hoặc MAC cụ thể được phép giao tiếp với DHCP Server. ACL giúp giảm nguy cơ các thiết bị trái phép truy cập hoặc gửi yêu cầu bất hợp lệ.

DHCP ACL
Sử dụng Access Control Lists

Hệ thống giám sát mạng

Giám sát liên tục các hoạt động trong hệ thống mạng, bao gồm lượng yêu cầu DHCP, hành vi bất thường từ các client, và tình trạng cấp phát IP. Giúp quản trị viên phát hiện sớm các dấu hiệu tấn công hoặc cấu hình sai.

Những câu hỏi thường gặp về DHCP Server

  1. DHCP Server có cần thiết trong mạng quy mô nhỏ không?

    Có. Trong mạng quy mô nhỏ, DHCP giúp tự động cấp IP cho thiết bị mà không cần cấu hình thủ công. Nhiều router gia đình đã tích hợp sẵn DHCP Server.

  2. Có thể gán IP cố định trong hệ thống dùng DHCP không?

    Có. DHCP Server hỗ trợ IP Reservation (binding) để gán địa chỉ IP cố định cho một thiết bị dựa trên MAC address.

Qua bài viết, bạn đã hiểu rõ DHCP Server là gì và vai trò quan trọng của nó trong quản lý mạng. Nếu bạn cần hạ tầng mạnh mẽ để triển khai hệ thống mạng chuyên nghiệp, hãy liên hệ ZoneCloud ngay với để thuê Server hiệu suất cao, bảo mật và tự do tùy chỉnh.

5/5 - (173 bình chọn)
Cập nhật lúc: 11:04 * 25/05/2025
Chia sẻ bài viết:
Picture of Võ Đỗ Khuê
Võ Đỗ Khuê
Tôi là Võ Đỗ Khuê, Co-founder của ZoneCloud, đam mê công nghệ và cam kết mang đến giải pháp lưu trữ Hosting/VPS/Server an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hạ tầng số, tôi luôn hướng đến việc tối ưu hiệu suất và bảo mật, giúp khách hàng yên tâm phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Windows Server vs Linux Server, đây là hai hệ điều hành máy chủ phổ biến. Lựa chọn nền tảng phù hợp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và bảo...

Cloud Server vs Dedicated Server, cả hai đều là những giải pháp máy chủ phổ biến, mỗi loại phù hợp với nhu cầu sử dụng khác nhau. Trong bài viết...

Application Server là nền tảng không thể thiếu trong hệ thống hiện đại, giúp kết nối cơ sở dữ liệu với ứng dụng, xử lý logic hiệu quả và tối...